Khi niềm tin bị đổ vỡ
Khi niềm tin bị đổ vỡ
- Xã hội nước ta những tuần qua chẳng khác gì
con thuyền bị rúng động trước giông bão. Không rúng động sao được khi
người dân chưa hết choáng váng trước những thông tin rùng rợn về an toàn
vệ sinh thực phẩm như bún chứa tinopal, thịt bò làm bằng cao su, gạo
tẩy trắng bằng hoá chất, sữa nhiễm độc thì lại bị bàng hoàng trước
chuyện “nhân bản xét nghiệm” của bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội).
Đến nước này thì đúng là khủng khiếp, bởi sự giả dối và
lòng tham đã phá vỡ hết mọi rào cản, có mặt ở ngành y, ngành nghề mà
bất kỳ xã hội nào và thời đại nào cũng trân trọng vì gắn liền với những
điều tốt đẹp.
Trò “nhân bản xét nghiệm” của bệnh viện Hoài Đức diễn ra trong một thời gian dài. Ảnh: vtv.vn
|
Lừa gạt người khoẻ mạnh đã bị lên án nặng nề, huống hồ
gì lừa gạt trên chính bệnh nhân, những người vốn bị bệnh tật hành hạ và
chỉ còn biết đặt niềm tin ở người thầy thuốc để trông chờ một sự cứu
chữa. Thế nhưng thay vì được chữa lành, họ lại bị chính những người được
mệnh danh là “thiên thần áo trắng” lừa gạt trắng trợn để thoả mãn lòng
tham vật chất. Điều gì xảy ra với ngành y tế nước nhà, khi một bộ phận
của ngành y ngày càng bị xã hội xem thường, thậm chí lên án, vì mức độ
vi phạm y đức ngày càng nặng nề? Cách đây ba tháng người dân căm phẫn
với trò ăn bớt vắcxin của một nhân viên của trung tâm y tế dự phòng Hà
Nội, nay còn căm phẫn đến chừng nào với chuyện “nhân bản xét nghiệm” khi
sự việc diễn ra trong thời gian dài và ảnh hưởng quá nhiều người.
Diễn ra trong thời gian dài, nhưng trò “nhân bản xét
nghiệm” của bệnh viện Hoài Đức chỉ vỡ lở khi một số nhân viên ở đây dũng
cảm đứng lên tố cáo.
Câu hỏi đặt ra, liệu trò lừa này còn diễn ra ở một
cơ sở y tế nào khác, hoặc diễn ra dưới những hình thức khác và chưa bị
phát hiện hay không? Người dân có thể đặt câu hỏi này cho dù những nhà
quản lý y tế đã, đang và sẽ luôn biện minh bằng chuyện “con sâu làm rầu
nồi canh”.
Henri Frédéric Amiel, nhà triết học Thuỵ Sĩ thế kỷ 19, từng
nói một câu nổi tiếng: “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển bởi
khoa học” (Society lives by faith and develops by science). Nếu theo
tinh thần này thì xã hội nước ta liệu sẽ tồn tại bằng điều gì khi niềm
tin của người dân lần lượt đổ vỡ từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác?
Ngoài xã hội con người ngày càng nhìn nhau bằng cặp mắt nghi ngờ, và sau
chuyện “ăn bớt vắcxin”, “nhân bản xét nghiệm” có lẽ rồi cũng đến lúc
khi bước vào bệnh viện, bệnh nhân phải nhìn người thầy thuốc với sự ngờ
vực, không biết khi nào mình bị làm hại.
Vấn đề đặt ra là ai chịu trách nhiệm cho chuyện đổ vỡ
niềm tin của người dân? Ngày 7.8, cơ quan cảnh sát điều tra công an Hà
Nội đã khởi tố vụ án “nhân bản xét nghiệm”. Thật dễ dàng để mang những
cá nhân có lỗi ra xử lý để làm gương, thế nhưng liệu sau câu chuyện này
mọi chuyện sẽ không tái diễn ở một hình thức khác hay không? Trong xã
hội mà niềm tin đang trở nên xa xỉ thì người dân hoàn toàn có quyền nghi
ngờ vì tất cả chỉ là chuyện giải quyết phần ngọn chứ không phải từ gốc.
Thật vậy, khi y đức là gốc rễ làm nên nhân cách của người thầy thuốc chỉ được giảng dạy một cách hình thức và qua loa trong các trường y khoa và khi người bác sĩ ra trường vẫn tuyên thệ dựa trên 12 điều y đức – rất chung chung và khẩu hiệu như nhiều nhà giảng dạy y khoa nhận định – thì có lẽ chẳng trông mong vào bất kỳ sự thay đổi nào ở ngành y tế nước nhà. Và có lẽ người dân cũng chẳng trông đợi chuyển biến gì ở ngành y tế khi sau bao nhiêu chuyện tệ hại thời gian qua không một nhà quản lý ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm và bị xử lý.
Thật vậy, khi y đức là gốc rễ làm nên nhân cách của người thầy thuốc chỉ được giảng dạy một cách hình thức và qua loa trong các trường y khoa và khi người bác sĩ ra trường vẫn tuyên thệ dựa trên 12 điều y đức – rất chung chung và khẩu hiệu như nhiều nhà giảng dạy y khoa nhận định – thì có lẽ chẳng trông mong vào bất kỳ sự thay đổi nào ở ngành y tế nước nhà. Và có lẽ người dân cũng chẳng trông đợi chuyển biến gì ở ngành y tế khi sau bao nhiêu chuyện tệ hại thời gian qua không một nhà quản lý ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm và bị xử lý.
“Nhân bản xét nghiệm” quả là một điều tồi tệ và không
thể tha thứ. Chỉ có thể gọi đó là tội ác. Và tội ác này sẽ tiếp tục tồn
tại, chuyển đổi thành một dạng khác khi niềm tin đổ vỡ.
Bình Yên
Những ai đã đọc tác phẩm " THÀNH TRÌ " - truyện của tác giả Archibald Joseph Cronin (19/07/1896 – 06/01/1981), thì có thể hiểu được những mặt trái của nghề y :(
Trả lờiXóaTiểu thuyết này đã từng thu hút rất nhiều độc giả Việt Nam nhiều năm về trước, không chỉ hấp dẫn về những tình tiết đi sâu vào mặt trái của nghề y và hệ thống y tế của nước Anh những năm đầu của thế kỷ 20, nó còn thu hút ở câu chuyện tình yêu nhiều bi kịch của nhân vật chính – bác sĩ Andrew Manson, ở chính lý tưởng và cả sự chao đảo về lý tưởng của anh khi phải đối mặt với những quy chuẩn giá trị của xã hội và đồng nghiệp thời đó về chính nghề nghiệp cao quý này.
Trả lờiXóaHơn nữa, dù bản thảo này đã được viết ra gần 80 năm, nhưng nhiều vấn nạn về nghề y được nêu ra từ lúc đó, nay đọc lại vẫn còn thấy rất gần gũi với người đọc Việt Nam, khi so sánh với thực trạng hành nghề y ở khá nhiều vùng miền ở nước ta hiện nay.